Nâng niu phố chợ Bến Thành 110 năm - Kỳ cuối: Tri ân đời phố - đời chợ - đời người

Thứ hai - 01/04/2024 20:37

Nhiều sự kiện, nhiều câu chuyện buồn vui đan xen nhau, nối tiếp nhau qua nhiều thế hệ còn diễn tiến ở khu phố chợ Bến Thành này.

Nâng niu phố chợ Bến Thành 110 năm - Kỳ cuối: Tri ân đời phố - đời chợ - đời người

Cụ Vương Hồng Sển, tác giả Sài Gòn năm xưa kể khoảng năm 1918 đã có đờn ca tài tử ở khách sạn Cửu Long Giang (hiện tại là tòa nhà Pizza 4P ở góc Thủ Khoa Huân - Lê Thánh Tôn), đối diện cửa bắc chợ Bến Thành. Đây là một loại "phòng trà" trước đấy chưa từng có, cách không xa nhà ga xe lửa, tụ tập khách phong lưu lục tỉnh đến vui chơi văn nghệ.

Và từ ấy, ra đời "ca ra bộ", trở thành cải lương "nhà nghề", đường hoàng bước vào Nhà hát lớn thành phố và các rạp hát công cộng.

Vang bóng một thời

Những năm gần đây, la cà phố chợ Bến Thành, tôi không quên tìm đến nhà số 13 Phan Chu Trinh. Hồi hộp tự hỏi tiệm trà Ô Tòng Ký có còn không? Tháng 3 này, mừng lắm, cửa vẫn mở, nhà vẫn bán trà, cảnh sắc vẫn cũ kỹ như một bức tranh cổ giữa khung cảnh hàng quán xung quanh đủ màu đủ kiểu, thay đổi vùn vụt.

Bảy năm trước, lần đầu ghé tiệm, tôi và nhà báo Phạm Công Luận gặp cụ Kha Luyen (còn gọi là Quyên), tóc bạc phơ năm ấy 84 tuổi. Cụ Quyên cùng với ngôi nhà, từ bảng hiệu đến tủ kính, hộp thiếc đựng trà to nhỏ, cái cân và những vật gia dụng đều thuộc về ngày xửa ngày xưa.

Thân sinh cụ gốc Quảng Đông mở tiệm trà từ những năm 1920, khi ấy tên đường là Schroeder, trước cửa là dãy xe đò và rồi sau những năm 1950 là dãy xích lô máy.

Rất hiếu khách, cụ cho hai "cậu khách" vào xem căn phố ba tầng, dài hơn 20m, phía sau là nhà bếp và giếng trời thoáng rộng. Theo cụ, cả dãy phố là nhà của "chú Hỏa" (Huỳnh Văn Hoa, hay còn gọi là Hui Bon Hoa) cho thuê dài hạn. Cụ Quyên đưa xem biên lai đóng tiền nhà của Công ty Hui Bon Hua từ những năm 1970.

Xe ngựa kéo trước chợ Bến Thành thời Pháp - Ảnh: bưu ảnh ông Nguyễn Đại Hùng Lộc sưu tầm


"Người Hoa ngày trước buôn bán quanh chợ và trong chợ nhiều lắm", cụ Quyên nói tiếng Việt rành rọt, hóa ra cụ từng học Trường Bác Ái, là trường trung học nổi tiếng ở Chợ Lớn trước 1975. Chúng tôi ra về mang theo những gói "trà tàu" gói bằng giấy hồng điều, đượm hương cả đời người.

Lần sau ghé thăm cụ Quyên, tôi và tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp cùng nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên được cụ chỉ cho một căn phố "cổ tích" gần bên. Không ngờ căn phố số 23, bây giờ là cửa hàng Vissan, từng là tiệm bánh trung thu Đông Hưng Viên vang bóng một thời.

Qua một cầu thang nhỏ lên lầu, thật hên, chúng tôi gặp được một người cháu trong gia đình. Anh cho chúng tôi vào thăm bàn thờ tổ tiên, nơi ngoài những bức ảnh của ông bà còn trưng một bảng hiệu tròn vẽ hình con công màu xanh diễm lệ. Đó là logo nhãn hiệu Đông Hưng Viên mà thuở nhỏ chúng tôi từng thấy trên các hộp bánh trung thu sang trọng.

Anh cho biết tổ tiên mình là người Hoa ở vùng Móng Cái, Quảng Ninh đến Hà Nội dựng tiệm bánh, sau 1954 đưa cơ nghiệp vào Sài Gòn, làm ăn khấm khá. Sau cuộc "cải tạo tư sản thương nghiệp" năm 1978, tiệm bánh đóng cửa, gia đình kẻ ở người đi.

Ba của anh Công Luận từng đi làm cho chủ tiệm Kim Phát, có sạp số 301-303 trong chợ Bến Thành. Ông chủ Kim Phát xuất thân từ một người bán hàng rong kim chỉ, hộp quẹt, cà rá bình dân. Nhưng như nhiều người Sài Gòn chăm chỉ và chịu học hỏi, ông Kim Phát lập nghiệp thành công, chuyên bán sỉ hàng nữ trang xi mạ ở Sài Gòn và nhiều tỉnh.

Tuy vậy, sau này, ông Kim Phát và những cộng sự ở chợ Bến Thành đã phải chia tay cửa tiệm của mình. Cả bà cụ Quyên, ông Đông Hưng Viên, ông Kim Phát, ba anh Luận nay đều là người thiên cổ.

Theo anh Nguyễn Vĩnh Hà, chuyên viên nghiệp vụ Ban quản lý chợ Bến Thành, chợ đang có 1.538 sạp nhưng chủ sạp từ hơn 50 năm trước đã thuộc về "hàng hiếm". Vật đổi sao dời, các cửa tiệm, quầy sạp ở khu phố chợ Bến Thành qua các thời kỳ biến động đã thay đổi chủ nhân rất nhiều!

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel ghé thăm một gian hàng món ăn đặc sản Việt Nam ở chợ Bến Thành năm 2023 - Ảnh: T.T.D.

Lưu giữ và phát huy giá trị di sản

Anh Nguyễn Đại Hùng Lộc, một doanh nhân tuổi 60 có cách lưu giữ ký ức về phố chợ Bến Thành, nơi mà ngày nhỏ anh theo mẹ đi mua sắm. Là dân thích sưu tầm đồ xưa, anh hiện có gần 50 bưu ảnh phố chợ yêu dấu từ thuở mới khai sinh cho đến suốt thế kỷ 20. Phần lớn là bưu ảnh người Pháp làm, được anh tìm mua từ nhiều nguồn trên mạng.

Anh còn sưu tầm được tấm không ảnh chụp toàn bộ khu phố chợ vào giữa những năm 1950 chưa xuất hiện trên Internet. Sắp tới, nhân kỷ niệm 110 năm phố chợ Bến Thành, bộ bưu ảnh của anh Lộc sẽ được giới thiệu tại chợ Bến Thành...

Là phó chủ tịch Hội Tem TP.HCM, anh Lộc quen biết nhiều dân chơi hình ảnh, giấy tờ cũ. Anh giới thiệu với tôi anh La Hưng một thợ bạc trung niên có thú sưu tầm vàng miếng và các biên lai tiệm kim hoàn.

Trong bộ sưu tập của anh La Hưng, có đến hàng chục tấm biên lai "hàng vàng" của các tiệm xung quanh chợ Bến Thành. Trong đó, có các thương hiệu vàng lừng lẫy thời xưa như Nguyễn Thế Tài, Kim Thành.

Ông Kha Minh (trái), thân nhân bà Kha Quyên ở quán trà Ô Tòng Ký, cùng anh La Hưng xem các hóa đơn, biên lai các tiệm vàng xưa trên đường Phan Chu Trinh sát chợ Bến Thành Ảnh: Phúc Tiến chụp sáng 20-3-2024

Các tờ biên lai nhiều khổ lớn nhỏ, đã ngả màu thời gian, có tờ ngoài chữ Việt còn thêm chữ Pháp và chữ Hán, đặc biệt có dán "con niêm" của nhà nước - một hình thức công chứng. Tất cả thể hiện một cung cách mua bán chuyên nghiệp, hay còn có thể gọi là "văn minh thương mại".

Hẳn đây đó trong và ngoài nước vẫn đang có rất nhiều người lưu giữ ký ức và kỷ vật liên quan không chỉ phố chợ Bến Thành mà còn là cuộc sống sinh động của cả một đô thị và nhiều vùng miền Việt Nam.

Ở một số chợ cổ ở Anh, Mỹ, Hungary và Úc, tôi đã thấy có những góc lưu niệm thậm chí bảo tàng mini về hình ảnh và hiện vật người mua kẻ bán, nhà sản xuất, nhà phân phối.

Mong sao, một ngày không xa tại chợ Bến Thành và những chợ truyền thống xưa cũ, kể cả những thương xá hiện đại ở Việt Nam cũng sẽ có những hình thức tôn vinh và tri ân hoạt động doanh thương như vậy.

Phố chợ Bến Thành thực sự không chỉ là chứng nhân nhiều sự kiện về cả kinh tế, văn hóa và xã hội. Đó còn là "bà đỡ" hàng hóa vật chất và tinh thần ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi tin rằng tìm hiểu và lưu giữ các giá trị nhiều sắc màu quý báu của di sản phố chợ Bến Thành không chỉ để hoài niệm hay tiến hành lễ lạt đơn thuần.

Nâng niu phố chợ Bến Thành không chỉ là tân trang hay sửa chữa chợ mà còn phải làm sao tạo thêm cơ hội làm ăn cho người bán hàng và nhà cung cấp.

Việc phổ biến rộng rãi thông tin lịch sử của phố chợ Bến Thành là dịp đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, sản sinh các ý tưởng và hoạt động tiếp thị mới. Chẳng hạn thiết kế logo phố chợ 110 năm trên các sản phẩm lưu niệm, quần áo, nữ trang, đồ chơi và các voucher khuyến mãi sẽ là cơ hội thu hút thêm khách hàng, nhất là giới trẻ.

Ngày sinh nhật phố chợ Bến Thành 28-3 rất nên trở thành ngày truyền thống hằng năm của các chợ toàn thành phố - ngày của các tiểu thương, góp phần khơi dậy các nguồn lực giao thương và văn hóa còn tiềm ẩn.

Tác giả: Phúc Tiến

Nguồn tin: tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây