Chợ Bến Thành là một trong những địa điểm tiêu biểu của Sài Gòn. Ít ai biết được cái tên chợ Bến Thành lại trải qua bao thăng trầm lịch sử, qua hai lần di dời, thay đổi địa điểm và nhiều lần xây cất, sửa chữa do bị cháy, sập, để cuối cùng chợ nằm ở vị trí hiện nay, ngay trung tâm Sài Gòn và được xem là biểu tượng của Sài Gòn.
NGUỒN GỐC TÊN GỌI “CHỢ BẾN THÀNH”
Tên gọi này có liên quan đến thành Bát Quái do Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh (Vua Gia Long) xây dựng. Năm 1788, Nguyễn Vương chiếm lại được Gia Định từ quân Tây Sơn, liền cho xây dựng thành quách để ngăn quân Tây Sơn. Năm 1789, Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) về đến Gia Định cùng với số tiền quyên góp và 15.000 Francs của mình để mua súng đạn và tàu chiến, chiêu mộ khoảng 20 người Pháp giỏi về kỹ thuật vũ khí, kỹ nghệ… để giúp Nguyễn Vương. Thành bát quái (do thành có 8 cạnh) được xây dựng vào năm 1789 với số nhân công là 30.000 người, do kiến trúc sư Theodore Lebrun và kỹ sư công binh người Pháp Victor Olivier de Puymanel thiết kế.
Năm 1790, thành xây xong có chu vi khoảng 4.176 mét, ba mặt giáp sông. Sông Bến Nghé có một bến sông nằm gần thành Bát Quái, bến này dùng cho khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mà được gọi là Bến Thành (bến trước khi vào thành). Gần sát bến này có một khu chợ vì thế mà chợ này cũng được gọi là “chợ Bến Thành”. Và tên “chợ Bến Thành” chính là được xuất phát từ đây.
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CHỢ BẾN THÀNH
Chợ Bến Thành ban đầu này được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh. Nơi bến sông này thuận lợi cho ghe thuyền trong và ngoài nước lui tới, vì thế mà việc buôn bán trở nên sầm uất. Hàng hóa nước ngoài xuất hiện ở chợ khá nhiều thu hút người dân và người Pháp đến đây mua sắm.
Năm 1833, Lê Văn Khôi lấy thành Bát Quái làm căn cứ khởi nghĩa chống lại triều đình. Năm 1835, triều đình đánh bại Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng cho phá hủy toàn bộ thành này, rồi xây một thành mới nhỏ hơn ở vị trí đông bắc thành cũ, gọi là “thành Phụng” hay thành Gia Định.
Chợ Bến Thành lúc này vẫn còn nhưng không được sầm uất như trước nữa, dù vẫn là nơi đông đúc nhất.
Tháng 2/1859, liên minh Pháp và Tây Ban Nha đánh chiếm thành Gia Định, chợ Bến Thành bị thiêu hủy. Vì thế khoảng năm 1860-1861, Pháp xây một chợ khác xa bờ sông hơn, nằm cạnh con rạch mà sử gia nổi tiếng Trịnh Hoài Đức gọi là ngòi Sa Ngư, chạy từ rạch Bến Nghé đến địa điểm nay là ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi. Ngôi chợ này có 5 gian, được xây dựng chủ yếu bằng gỗ và mái lợp tranh. Năm 1870, một trận hỏa hoạn bùng phát đã thiêu rụi một gian trong ngôi chợ và vụ việc được đưa ra các phiên họp của Hội đồng Thành phố Sài Gòn để quyết định. Trên tinh thần các nghị định, Thống đốc Nam kỳ cấm việc lợp tranh các kiến trúc xây trong nội thành Sài Gòn vì lý do an ninh công cộng, Hội đồng thành phố quyết định dành một ngân khoản 70.000 Francs để xây dựng lại ngôi chợ Bến Thành tại vị trí gần ngòi Sa Ngư, với kiến trúc làm bằng những cột gạch, sườn bằng gỗ, lợp ngói, trừ một gian lợp tôn dợn sóng. Ngày 30.11.1870, công trình được giao cho nhà thầu Albert Mayer và việc khởi công diễn ra vào ngày 27.12.1870. Sau khi hoàn thành, ngôi chợ này cũng có 5 gian, được chia ra: gian thứ nhất dành cho thực phẩm khô, gian thứ hai bán cá, gian thứ ba bán thịt, gian thứ tư bán thức ăn và gian thứ năm bán đồ tạp hóa. Về mái lợp, bốn gian được lợp ngói, chỉ có gian bán thịt được lợp tôn dợn sóng. Nền chợ được lát đá granit.
Chợ Bến Thành tại vị trí gần ngòi Sa Ngư
Năm 1887, chính quyền thành phố Sài Gòn cho lấp ngòi Sa Ngư, còn được gọi là Kênh Lấp, để làm thành con đường Charner (nay là đường Nguyễn Huệ). Nhờ có chợ Bến Thành nên hai bên đường, nhà cửa của người Việt, Ấn Độ, Hoa, Campuchia… xây dựng san sát nhau, các sinh hoạt mua bán diễn ra tấp nập, sầm uất. Đến năm 1894, sau hơn 20 năm, ngôi chợ đã có những dấu hiệu xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu kinh doanh, vì thế trong các phiên họp của Hội đồng Thành phố, các nghị viên đã bàn đến việc xây dựng lại chợ cùng với việc xây mới một nhà hát và Tòa thị chính (Dinh Xã Tây - UBND TP.HCM ngày nay). Kinh phí để xây dựng nhà hát là 800.000 Francs, Tòa thị chính là 600.000 Francs, và chợ mới là 400.000 Francs. Tuy nhiên, do nhiều trở ngại về việc chọn địa điểm, chủ yếu do nhiều khu đất thấp, và nhất là việc thiếu kinh phí, việc xây dựng ba công trình này kéo dài, hoàn thành sớm nhất là Nhà hát, vào ngày đầu tiên của thế kỷ 20 (1.1.1900), sau đó là Dinh Xã Tây vào năm 1909.
Chợ Bến Thành trên đường Charner (nay là đường Nguyễn Huệ), xa xa là Tòa thị chính (Dinh Xã Tây - UBND TP.HCM ngày nay).
Về chợ Bến Thành, trong phiên họp ngày 21.5.1908, Hội đồng quyết định chọn khu đất nằm giữa 4 con đường: Némésis (nay là Phó Đức Chính), Roland Garros (Thủ Khoa Huân), Espagne (Lê Thánh Tôn) và Amiral Courbet (Nguyễn An Ninh). Đây là một khu đất trũng, sình lầy gọi là ao Bồ Rệt (Marais de Boreses). Sau khi đã quyết định xây dựng chợ Bến Thành mới, chính quyền Pháp cho đập phá phần lớn ngôi chợ cũ, chỉ giữ lại gian hàng bán thịt lợp bằng tôn dợn sóng.
Chợ mới được hãng thầu Brossard et Maupin khởi công xây dựng từ năm 1913, đến năm 1914 thì xây xong. Chợ rộng hơn 13.000m2 với nền đất đá ong. Lễ khai thị diễn ra trong 3 ngày 28 đến 30/3/1914 với rất nhiều lễ hội văn hóa ẩm thực cùng các gian hàng, thu hút 100.000 người Sài Gòn và các tỉnh lân cận đến vui chơi. Có 4 cửa lớn là:
- Cửa Nam: Nằm trên đường Place Cuniac, tên đặt theo viên Xã Tây (Ủy viên Hội đồng) Cuniac, người đã đề ra công việc lấp ao. Người Việt thì quen gọi đó là Bùng binh Chợ Bến Thành. Đến thời VNCH tên đường được đổi thành “Công trường Cộng Hòa”, “Công trường Diên Hồng”. Đến ngày nay được đổi thành “Công Trường Quách Thị Trang.
- Cửa Bắc: Nằm trên đường Espagne. Đến thời VNCH tên đường đó được đổi thành đường Lê Thánh Tôn và được giữ nguyên tên cho đến ngày nay.
- Cửa Đông: Nằm trên đường Viénot. Đến thời VNCH tên đường được đổi thành đường Phan Bội Châu và được giữ nguyên tên cho đến ngày nay.
- Cửa Tây: Nằm trên đường Schroeder. Đến thời VNCH đường được đổi tên thành đường Phan Chu Trinh và được giữ nguyên tên cho đến ngày nay.
Chợ Bến Thành 1920 - 1929
Sau gần 40 năm khai thị, năm 1952, 12 bức phù điêu bằng gốm do họa sĩ Lê Văn Mậu sáng tác theo đơn đặt hàng của nhà thầu chợ Bến Thành, sau đó chỉnh sửa với sự góp ý của những nghệ nhân hàng đầu của dòng gốm Biên Hòa như Sáu Sảnh, Tư Ngô, Hai Sáng, chủ Thạch, anh Tóc… được gắn lên 4 mặt của chợ. Để tránh vênh méo ở những sản phẩm có độ nung cao như gốm Biên Hòa, những phù điêu đó được cắt ra theo từng miếng nhỏ riêng, để đem mang đi nhúng men, rồi nung ở nhiệt độ khoảng 4.280ºC (trong khi sản phẩm gốm sứ thông thường khi đó chỉ cần nung 1.150ºC là đủ). Ông Tư Dạng cùng với 2 người khác là ông Võ Ngọc Hảo và ông Lê Văn Ngà mang xuống chợ Bến Thành lắp đặt liên tục gần hai tháng rưỡi mới hoàn thành.
Gần 70 năm trôi qua, trải bao mưa nắng dãi dầu nhưng những bức phù điêu trên các cửa chợ Bến Thành vẫn tươi màu trước những biến động của thời cuộc cùng sự khắc nghiệt của thiên nhiên…
Sau năm 1975, chợ Bến Thành lần nữa được trùng tu. Công trình cải tạo, trùng tu chợ Bến Thành diễn ra từ ngày 01/7 đến ngày 25/8/1985. Từ nhà lồng chợ cho đến các gian hàng đều được làm mới, chỉ có hình dáng phía trước và tháp đồng hồ được giữ lại. Năm 1992, chợ được cải tạo hệ thống điện. Tất cả các sạp được nâng cấp từ sạp cây sang sạp sắt. Năm 1999, chợ được chỉnh sửa hệ thống cống rãnh, thay mái ngói thành mái tôn và nền được lót gạch ceramic.
Năm 2023, để kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) và Chào mừng Quốc khánh 02/9/2023, Ban Quản lý chợ đã thực hiện công trình sơn lại 04 mặt tiền và đèn chiếu sáng mỹ thuật cho chợ, vừa mang tính thẩm mỹ, hiện đại vừa giữ được nét cổ kính cho chợ Bến Thành. Công trình không chỉ trên bình diện bảo tồn và phát huy giá trị di sản mà còn giúp làm đẹp cảnh quan đô thị, thêm điểm check-in ban đêm cho khu vực trung tâm Thành phố.
NHỮNG ĐIỀU ÍT BIẾT
Có lẽ, rất ít người Sài Gòn còn nhớ một sự kiện vào năm 1971 có liên quan đến ngôi chợ Bến Thành. Vào năm 1964, trong đề án thiết lập Trung Tâm Thương mại Sài Gòn, kiến trúc sư Lê Văn Lắm có nhận định: “Lối kiến trúc chợ Bến Thành từ năm 1913 đến nay (1964) không còn hợp thời, công việc buôn bán quá tấp nập... Trong tương lai nên chỉnh đốn kiến trúc chợ Sài Gòn và việc thương mại đặc biệt dành mua bán các thực phẩm: thịt cá rau cải, trái cây, đồ hộp...”
Dự án của kiến trúc sư Lê Văn Lắm không thực hiện được, tuy nhiên, Chính quyền Sài Gòn vẫn nung nấu ý định cải tạo và mở rộng chợ Bến Thành theo nhận định của Tòa Đô chánh được ghi lại trong tạp chí Thế Giới Tự Do: “Sài Gòn phát triển quá mạnh, trong khi đó chợ búa ở Sài Gòn, nhất là chợ Bến Thành, vẫn ở trong tình trạng của mấy mươi năm về trước, không có một bước tiến quan trọng nào”. Năm 1971 dân số Sài Gòn có khoảng hai triệu người và thành phố chỉ có ba trung tâm thương mại lớn là: Tax, Sài Gòn Departo và Crystal Palace (Thương xá Tam Đa). Tuy nhiên những trung tâm thương mại này là những nơi bán hàng xa xỉ chứ không có kiểu... "chợ búa" như chợ Bến Thành và chợ Sài Gòn cũ, chợ Bình Tây (Chợ Lớn mới) nên Chính quyền Sài Gòn quyết tâm biến đổi chợ Bến Thành trở nên hiện đại, phù hợp với yêu cầu phát triển và mang tính thẩm mỹ.
Một cuộc thi đề án kiến trúc xây dựng lại ngôi chợ này được công bố vào cuối tháng 10 năm 1970 và kết thúc vào ngày 21/4/1971. Có 8 đề án dự thi và ngày 10/9/1971 tòa Đô chánh Sài Gòn trao giải nhất cho kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng (hiện kim là 1.500.000 đồng). Không có giải nhì chỉ có giải ba trị giá 400 ngàn cho kiến trúc sư Nguyễn Huy và Trần Phong Lưu (hợp tác). Giải Khuyến khích trao cho kiến trúc sư Nguyễn Kỳ, Đào Trọng Cường và Nguyễn Hữu Sơn.
Đề án của KTS Huỳnh Kim Mãng
Được biết các đề án đều phải thiết kế chợ mới có diện tích tổng quát là 12.000 m2, nghĩa là hoàn toàn bằng diện tích ngôi chợ cũ. Theo đồ án thiết kế trúng giải của kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng chợ sẽ đươc xây ba tầng. Khi Sài Gòn - Gia Định chỉ có khoảng 250.000 xe máy, 3.500 taxi, 2.100 xe lam đang lưu hành thì kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng đã nghĩ đến việc xây dựng chợ Bến Thành có một tầng hầm đào sâu dưới đất và đậu được 150 chiếc xe hơi. Gian hàng chung quanh tầng trệt sẽ bán thịt, các gian hàng kế sẽ là nơi bán trái cây. Khu bên trong sẽ là nơi bán cá. Khu này sẽ thực hiện thấp xuống để giữ vệ sinh, cho khói bay ra bên ngoài, phía trên có ánh sáng trực tiếp và thoáng khí.
Tầng một dùng để bán chạp phô và bách hóa các loại. Tầng hai bán quần áo tơ lụa, lập ngân hàng. Lầu ba là thế giới riêng biệt cho trẻ em với nhiều trò chơi giải trí, hàng bán đồ chơi sách báo nhằm để cho người đi chợ gửi con. Tầng thượng được dùng làm nhà hàng quán ăn. Ngoài ra còn có rạp hát bóng, cải lương. Phía trước chợ còn có một ngôi tháp cao 50m phần trên tháp sẽ sử dụng làm một nhà hàng. Trong chợ có một hệ thống thang máy dành riêng cho khách, một hệ thống thang máy dành riêng để tải hàng. Hệ thống rác để giữ vệ sinh trong chợ. Lối hàng hóa vô chợ hoặc chuyển lên lầu đều riêng biệt, không lẫn lộn với lối đi của khách hàng.
Diện tích của các tầng lầu trên cao được nới rộng, làm mái cho các tầng dưới, một vài thiết kế hiện nay thấy giống với hình thức thiết kế này. Do đó toàn bộ hình thức ngôi chợ Bến Thành như hiện nay với 16 cửa, thông ra bốn mặt đường không còn nữa mà là một khối nhà mới. Nếu so với các Trung tâm thương mại chuyên bán hàng xa xỉ hiện nay thì đứng trên mặt... chợ, cung cấp con cá, con gà, rau củ quả cho các bà nội trợ thì thiết kế này đến nay vẫn mang tính hiện đại, ngôi chợ Bến Thành rộng rãi hơn nhiều so với ngôi chợ hiện nay. Khi công bố trao giải, người ta được biết là sẽ khởi đầu thực hiện vào năm 1972 kinh phí lên đến một tỷ rưỡi.
Các tính hiện đại, thẩm mỹ, phát triển đều có nhưng duy nhất đồ án này thiếu là tính cách truyền thống nên trong dư luận dân chúng cũng không đồng tình vì mất tiêu hình dáng ngôi chợ ngày xưa đã in sâu vào tâm trí. Ngoài ra, cũng có thể vì, Việt Nam Cộng hòa thâm hụt ngân sách là 54 tỷ đồng (1972) nên việc xây ngôi chợ mới đã dần dần đi vào quên lãng...
(Tổng hợp).